CÁCH ĐẶT MỤC TIÊU CHO CON

CÁCH ĐẶT MỤC TIÊU CHO CON

16/04/2021 Trần Hương Giang 0 Bình luận

            Cha mẹ nuôi dạy con thường có xu hướng chỉ nghĩ đến mục tiêu trước mắt và sự trưởng thành về mặt tri thức của con, nhưng đó chưa phải là phương pháp nuôi dưỡng một nhân tài. Phải làm sao để con tự biết suy nghĩ mới là điều quan trọng nhất. Muốn làm được điều này, chúng ta cần phải có bí quyết, đó là cha mẹ không chỉ nên dạy con học mà còn cần dạy cả phương pháp học tập và cách biểu đạt. Mục đích của giáo dục là dạy con tự lập, để khi trưởng thành con có thể dễ dàng hòa mình vào xã hội, như thế thì con mới có thể trở thành người tự tin và có ý chí.

            Không phải cha mẹ nào ngay từ khi sinh con ra đã nghĩ đến tương lai của con. Nhưng cũng có người đã biết đặt mục tiêu ngay từ đầu và phấn đấu nuôi dạy con thành công, tiêu biểu là cha của Tiger Woods, một vận động viên Golf chuyên nghiệp của Mỹ. Mục tiêu chúng ta đặt ra cho con càng cao càng tốt, vì không ít trường hợp mục tiêu đặt cao như núi nhưng kết quả đạt được chỉ nhỏ như cây kim.

            Cha mẹ hãy làm sao để mục tiêu không bao giờ kết thúc, để con trẻ ngay từ nhỏ đã hiểu rõ và biết cách tự phấn đấu theo đuổi mục tiêu. Khi trẻ tự nhận thức rằng mình muốn trở thành người như thế nào trong tương lai thì đứa trẻ đó sẽ có động cơ học tập thích hợp để đạt mục tiêu đó. Kể cả những trẻ chưa có ý chí phấn đấu, mục tiêu sẽ thôi thúc ý thức nỗ lực dần dần.

            Cha mẹ của những đứa trẻ trưởng thành tốt thường xây dựng kế hoạch từ sớm

            Vì thế bạn hãy nhanh chóng chọn lấy một “kế hoạch gia đình”, chẳng hạn mong muốn con mình sẽ trở thành một tài năng âm nhạc, một tài năng ngoại ngữ, một vận động viên thể thao nổi tiếng... Cha mẹ không nên bó hẹp trong một mục tiêu đơn giản như phải có thành tích học tập tốt hay con làm được những công việc bình thường... Hãy cố gắng để con có được “một cái gì đó thật đặc biệt”. Chẳng hạn như múa ba-lê, bơi lội, hội họa... đều được. Xác định mục tiêu rõ ràng và bắt đầu hướng trẻ phấn đấu hoàn thành mục tiêu ấy. Hãy để trẻ được trở thành người mà trẻ cũng mong muốn.

            Để trẻ trở thành người tự tin và tốt bụng

Nuôi dưỡng những khả năng cơ bản từ lúc còn nhỏ và hướng con suy nghĩ độc lập là điều hết sức cần thiết. Có hai điều cần bạn cần chú trọng khi nuôi dạy con:

  • Nuôi dưỡng sự tự tin.
  • Nuôi dưỡng khả năng dẹp bỏ những suy nghĩ vị kỷ.

Một con người có nhân cách trước tiên phải biết cảm thông với người khác. Năm 1926, Thủ tướng Nhật Bản đã phát biểu: “Cốt lõi của nền giáo dục là gia đình”, “Hãy dạy con bạn, để chúng không có những suy nghĩ tiêu cực làm ảnh hưởng đến người khác.” Triết gia - nhà giáo dục Morishinzo đã từng nói: “95% trách nhiệm nuôi dạy trẻ thuộc về cha mẹ, bởi vậy phương pháp cha mẹ nuôi dạy con cái thế nào là điều rất quan trọng.” Đừng quên dạy cho trẻ sự tự tin và lòng vị tha.

            Nuôi dưỡng chí lớn cùng với giáo dục tri thức

            Ngày nay, phần lớn các gia đình đều mới chỉ dừng lại ở việc chuẩn bị hành trang tri thức con có thành tích học tập tốt trước mắt mà không để biết rằng bồi đắp ý chí cho con còn quan trọng hơn nhiều. Ý chí mà chúng ta đề cập trong cuốn sách này là mong ước trở thành người tài giỏi và có chỗ đứng nhất định trong xã hội.

            Nếu cha mẹ cứ để mặc con cái tự lớn lên thì chúng sẽ có tâm lý ích kỷ, coi mình là trung tâm. Giáo dục để trẻ không có suy nghĩ ích kỷ này là việc cực kỳ cần thiết, nhất là trong thời đại rất nhiều trẻ nhỏ chỉ biết nghĩ đến bản thân mình, biểu hiện của người không có đức. Ngay từ nhỏ, trẻ con cần phải được dạy dỗ từ những việc nhỏ nhất để biết thông cảm và biết nghĩ cho người khác. Mục đích cuối cùng của giáo dục chính là để con trẻ sau này sẽ trở thành người có ích và mong muốn góp sức mình cống hiến cho xã hội.

            Biết tôn kính người trên

            Khi xây dựng một gia đình hạnh phúc không thể thiếu chữ “kính”. Càng có chí lớn càng không thể không biết đến “kính”. Trong giáo dục có hai nhân tố quan trọng: yêu và kính. Con người mà chỉ có yêu thôi thì không đủ. Luận ngữ dạy: “Chỉ yêu mà không kính”, hay là “Thiếu chữ kính thì không thể phân biệt ở cái gì.” Chỉ biết yêu mà không biết kính thì chúng ta không khác loài động vật là mấy.

            Trẻ sinh ra tự nhiên đã “yêu” mẹ và “kính” cha. Trẻ nhìn cha bằng con mắt kính trọng và cũng mong muốn được cha tôn trọng. Không có ai ở trên đời này không mong muốn được người khác tôn trọng mình, bởi vậy việc nuôi dưỡng và duy trì chữ “kính” trong tâm hồn trẻ là hết sức cần thiết. Đứa trẻ chỉ biết nghĩ đến bản thân là đã thiếu mất chữ “kính”. Phải giáo dục trẻ bỏ thói ích kỷ và trở thành đứa trẻ ngoan ngoãn biết nghe lời cha mẹ. Một đứa trẻ biết yêu thương cha mẹ mình mới nghĩ được cho người khác và giữ được chữ “kính”. Người giữ được đạo đức của mình cũng chính là người sống để cho những người xung quanh kính trọng mình.

            Bài học để trẻ hiểu về chữ “kính” chính là sự tôn trọng lẫn nhau của cha mẹ trong gia đình. Có như vậy thì cha mẹ mới có thể làm gương cho con cái noi theo.

 

popup

Số lượng:

Tổng tiền: