Cha mẹ nào cũng muốn con mình thành đạt, giỏi giang. Tuy nhiên, theo các chuyên gia giáo dục, thay vì “ép”con bằng mọi giá phải thành công, cha mẹ nên là người bạn để định hướng, giúp đỡ con trên con đường tới đích.
“Không được phép học kém”!
Vào thời điểm này, cha mẹ nào có con chuẩn bị thi cuối cấp đều mong muốn con mình thi đỗ điểm cao, đỗ vào trường điểm, trường chọn. Vì vậy, cha mẹ nào cũng trong cuộc chạy đua nước rút, ra sức “đầu tư” cho con. Nào là tìm thêm lớp, thêm thầy để phụ đạo. Ai mách phương pháp, sách, bài giảng nào hay cũng mua bằng được về để ép con học ngày học đêm. Đặc biệt, trước mỗi kỳ thi, với sự thúc ép của cha mẹ, sự nghiêm khắc kỳ vọng của thầy cô, mỗi học sinh đều phải gồng mình lên.
Mong muốn con phải học giỏi là điều hoàn toàn chính đáng. Thế nhưng, càng học lên cao, độ khó của chương trình càng tăng lên. Và một sự thật là mỗi đứa trẻ có thiên bẩm khác nhau. Nếu cha mẹ nào cũng tạo áp lực con phải học giỏi, không được phép điểm kém, sau đó khi chuyển cấp phải đỗ vào các trường danh tiếng… thì quả là gây sức ép rất lớn cho con của mình.
Khảo sát cho thấy, cứ vào trước, trong kỳ thi, thậm chí cả sau kỳ thi, nhiều em học sinh THCS, THPT đã bị căng thẳng thần kinh với các biểu hiện cáu kỉnh, mệt mỏi, mất ngủ, đau đầu, đầu óc lơ ngơ “nhớ nhớ quên quên”, giảm tập trung, stress…
Tại sao càng học càng “nhớ nhớ quên quên”?
Áp lực gây căng thẳng cộng với chương trình học lại nhồi nhét, đi học thêm quá nhiều… nên các học sinh có thể đang từ hào hứng với học chuyển thành chán học, hoặc có cố gắng học nhưng “không vào”.
Không thể có trí tuệ minh mẫn trong một cơ thể ốm yếu
Các chuyên gia giáo dục học lý giải: Chính việc thần kinh lúc nào cũng căng cứng như dây đàn và việc nhồi nhét kiến thức trong thời gian ngắn đã gây ra tình trạng “nhớ nhớ quên quên” ở các em. Theo các nhà khoa học, nguyên nhân của tình trạng này là do kiến thức đi vào não cần được tiếp nhận, phân loại và xử lý một cách có hệ thống. Một lượng thông tin ào ạt, tới tấp ập vào sẽ khiến não bộ bị quá tải và kém minh mẫn do các trung khu vỏ não bị suy giảm chức năng tập trung. Tình trạng thiếu ngủ, mất ngủ kéo dài trong quá trình ôn thi cũng khiến cơ thể và não bộ mệt mỏi nên “từ chối” dung nạp kiến thức.
Cha mẹ nên đồng hành với con
Từ những lý giải trên, các nhà giáo dục học đưa ra khuyến cáo: Để việc học của con đạt hiệu quả cao, cha mẹ cần tạo động lực thay vì tạo áp lực cho con cái. Hãy động viên thay vì đưa ra sự trừng phạt, và cố gắng là người hiểu con, đồng hành với con trong mùa thi cử.
Các bậc cha mẹ thay vì nói với con rằng: “Kì thi này nhất định phải đỗ”, thì hãy nói rằng: “Kì thi này chắc chắn có nhiều khó khăn, con hãy cố gắng hết sức mình nhé!”
Kể cả có thấy con mình học tốt, cha mẹ cũng tránh tự tin thái quá, không tự hào khoe khoang với người khác về con. Không nên nói với bạn bè, người thân kiểu như: “Năm nay cháu nó thi đại học. Với sức học của cháu, chắc chắn là đỗ rồi”. Thay vào đó, hãy nói rằng: “Năm nay con tôi thi đại học. Cháu cũng đang cố gắng hết mình, còn kết quả thì phải thi mới biết”…
Cha mẹ cần đồng hành giúp con có sức khỏe và trí nhớ tốt trong mùa thi
Bên cạnh sự động viên kịp thời, cha mẹ nên có chế độ dinh dưỡng chăm sóc con phù hợp. Nên hướng dẫn con thư giãn hợp lý xen kẽ những giờ học như: Để mắt và cơ thể nghỉ ngơi sau 45-60 phút ngồi lỳ một chỗ, vận động nhẹ giữa các giờ học; khi nghỉ ngơi, tranh thủ uống một cốc sữa hay cốc nước hoa quả để bổ sung dưỡng chất;
Cùng với đó, việc bổ sung dinh dưỡng là vô cùng quan trọng giúp cơ thể nâng cao đề kháng, tránh “ốm” đúng vào kỳ thi, đặc biệt là tăng sự minh mẫn cho não bộ, giúp các em tiếp thu kiến thức tốt hơn. Cha mẹ đừng quên bổ sung cho con các sản phẩm bổ não có nguồn gốc tự nhiên, an toàn với tác dụng tăng tuần hoàn máu não, tăng khả năng tập trung cho não bộ để tránh tình trạng “nhớ nhớ quên quên”.
Ai đó đã nói rằng: “Hãy chăm sóc sức khỏe thật tốt bởi không thể có một trí tuệ minh mẫn trong một cơ thể ốm yếu”. Cha mẹ hãy động viên con: “Thi cử là một thử thách mà ai cũng phải trải qua trong cuộc đời nhưng đó không phải là cánh cửa cơ hội duy nhất, con cứ tự tin cố gắng hết sức mình và điều quan trọng nhất với bố mẹ là con phải khỏe và hạnh phúc”!