GIÚP CON GIAO TIẾP HIỆU QUẢ

GIÚP CON GIAO TIẾP HIỆU QUẢ

27/03/2021 Trần Hương Giang 0 Bình luận

       Trang bị kỹ năng sống cho con, đặc biệt trong giai đoạn đầu đời là điều vô cùng quan trọng. Trong đó, tập cho trẻ thói quen giao tiếp hiệu quả, lịch sự và thân thiện với mọi người xung quanh sẽ giúp trẻ phát triển ngôn ngữ cũng như biết cách phản xạ, ứng xử trong mọi tình huống. Từ đó, tạo nền tảng vững chắc để “ứng phó” với sự thay đổi trong tương lai. Mười việc bạn có thể làm tại nhà để giúp con giao tiếp

1. Tạo ra một môi trường bình yên và tĩnh lặng cho con bạn và bảo vệ bé khỏi những tiếng ồn lẫn những âm thanh điện tử. Hãy giữ âm thanh máy truyền hình và âm thanh nền xung quanh ở mức thấp nhất để tạo ra một môi trường bình yên. Hãy giúp bé được nghe giọng nói của con người nhiều nhất.

2. Hãy trò chuyện với con của bạn. Khi con bạn tạo ra âm thanh, hãy trả lời như thể bé đang nói chuyện vậy. Âm thanh của bé sẽ chuyển sang bập bẹ - những cố gắng đầu tiên để giao tiếp. Nói chuyện với bé suốt ngày và khuyến khích những người chăm sóc trẻ hay khách đến thăm bé cùng làm như vậy.

3. Đọc truyện, thơ, và hát. Trẻ em có được vốn từ vựng lớn hơn và khi lớn lên sẽ thành những người thích đọc sách khi bé thường xuyên được nghe đọc sách. Hãy đọc ngay từ những ngày đầu tiên của cuộc đời trẻ. Trẻ thích được nghe một cuốn sách được đọc đi đọc lại nhiều lần. Hãy tìm những quyển sách có nội dung thực tế với những hình vẽ đơn giản về những đồ vật, hành động, và sự kiện hàng ngày. Hãy hát những bài hát mà bạn yêu thích.

4. Hãy nói một cách rõ ràng và trực tiếp. Giải thích tất cả những hoạt động hàng ngày của bé. Cũng quan trọng như việc nói chuyện và đọc cho bé, bạn nên chú ý đến những cố gắng của bé trong việc phát âm và hãy cho bé biết bạn rất vui vì điều đó bằng cách vỗ tay, cười hay nhắc lại những gì bạn nghe thấy từ bé

5. Không nói theo lối nói chuyện của trẻ con hoặc tạo ra một ngôn ngữ đặc biệt kiểu trẻ con, bé sẽ bị lẫn lộn bởi những từ ngữ vô nghĩa đó. Bé cần phải được nghe những từ ngữ chính xác mà người lớn dùng để giao tiếp. Khi bạn nói với bé, hãy nói rõ ràng và xúc tích. Bé đang học rất nhiều từ, bé liên hệ đồ vật với từ ngữ và vì thế, bé phải được nghe tên của đồ vật khi bé nhìn thấy nó hay cầm nắm nó

6. Đáp lại những cố gắng giao tiếp của bé. Việc đáp lại bé sẽ giúp bé chuyển từ ngôn ngữ cơ thể sang ngôn ngữ nói nhanh hơn. Bé sẽ nhìn thấy sự cố gắng của bé có kết quả. Khi bạn nghe bé nói và đáp lại, bạn đang xây dựng mối quan hệ và làm cho bé muốn nói hơn, ngôn từ của bạn là rất quan trọng

7. Hãy sử dụng từ ngữ chuẩn, không chỉ là những từ ngữ chung chung mà cả những từ ngữ cụ thể như "cái ép tỏi" hay "rèm nhà tắm". Hãy gọi tên tất cả những vật liên quan đến những căn phòng trong nhà: phòng bếp, phòng tắm, phòng ngủ…

8. Đừng nhắc lại những từ ngữ đánh vần sai hoặc những từ ngữ chỉ mang tính chất vui đùa. Nếu con bạn nói pasgetti, hãy nói lại với bé bằng từ ngữ đúng: Tối nay mẹ con mình ăn spaghetti. Bằng cách nhắc lại các cụm từ đúng hoặc liên tục trao đổi giao tiếp, bạn sẽ giúp bé dần dần tiếp thu những từ ngữ đúng và biết cách sử dụng chúng

9. Hãy thay phiên nhau kể chuyện, kể những câu chuyện về cuộc sống, không phải chỉ kể những câu chuyện từ sách vở. Bé sẽ yêu thích những chi tiết trong các câu chuyện nhỏ kể trước khi đi ngủ và coi đó như một hoạt động cuối ngày" Con tỉnh dậy, mặc chiếc quần xanh lá cây và áo khủng long, rồi đánh răng và..."

10. Hãy dành thời gian để lắng nghe, hãy lắng nghe một cách kiên nhẫn, kể cả khi bạn không hiểu bé đang nói gì. Đừng ngắt lời bé hay gợi ý từ ngữ, mà nên để cho bé được kể hết câu chuyện. Sự thích thú quan tâm của bạn sẽ khuyến khích bé tiếp tục giao tiếp.

 

popup

Số lượng:

Tổng tiền: