Những giai đoạn phát triển năng lực của trẻ

Những giai đoạn phát triển năng lực của trẻ

11/03/2021 Trần Hương Giang 0 Bình luận

Quá trình phát triển năng lực từ sơ sinh đến lúc 6 tuổi được chia làm ba giai đoạn:

  • Thời kỳ thứ nhất: Từ khi sinh ra đến nửa năm sau sinh. Đây là thời kỳ phát triển năng lực tiếp nhận (Cảm giác).
  • Thời kỳ thứ hai: Từ nửa năm sau sinh đến 3 tuổi. Đây là thời kỳ phát triển năng lực biểu hiện (Năng lực sáng tạo).
  • Thời kỳ thứ ba: Từ 3 tuổi đến 6 tuổi. Đây là thời kỳ phát triển năng lực tư duy (Kỹ năng).

Trong đó, thời kỳ thứ nhất là thời kỳ năng lực tiếp nhận mạnh mẽ nhất, nhưng cũng là thời kỳ mà việc dạy dỗ trẻ bị xem nhẹ nhất.

Thời kỳ thứ hai và thứ ba là thời kỳ quan trọng tiếp theo và các bậc làm cha làm mẹ cần suy nghĩ nghiêm túc đến việc trồng những hạt giống tốt.

1. Thời kỳ thứ nhất: Phát triển năng lực tiếp nhận (Cảm giác)

Trong số các giác quan của trẻ, thính giác được phát triển đầu tiên, khởi đầu cùng thời điểm trẻ sinh ra. Nếu trẻ không được kích thích thì trẻ không thể phát triển năng lực hấp thụ và thích nghi với hoàn cảnh của mình.

Giác quan tiếp theo cần phải được phát triển ở trẻ chính là thị giác. Trong khoảng một tháng sau khi sinh, thị giác của trẻ đã đạt đến mức tập trung nhìn một điểm bằng hai mắt

Tuy nhiên, trong khoảng thời gian này, mắt trẻ hoạt động vẫn chưa hoàn thiện, trẻ vẫn chưa thể nhận biết được ngay đồ vật mà trẻ nhìn thấy. Đến khoảng ba bốn tháng sau sinh, khi phần cơ trong mắt hoàn thiện, nhãn cầu có thể di chuyển một cách nhịp nhàng thì đó mới là thời điểm mẫn cảm nhất của thị giác.

Cảm giác tiếp xúc bằng da (Xúc giác) dường như tồn tại khắp cơ thể trẻ từ khi mới sinh ra, nhưng cảm giác ấy chạy đến khắp tứ chi (hai chân hai tay), và giúp từng ngón tay nhỏ bé hoạt động thì phải đến khoảng tháng thứ năm mới có thể thấy được.

Khứu giác và vị giác dường như được phát triển ngay từ khi trẻ mới chào đời, nhưng cũng từ khoảng năm tháng sau sinh mới được cho là bước vào thời kỳ mẫn cảm.

Đến khoảng 3 tháng tuổi, trẻ đã có thể cười mỉm khi nghe thấy tiếng của mẹ ở gần đó. Đây cũng là thời điểm thị giác và thính giác của trẻ bắt đầu cùng hoạt động. Tế bào não của thị giác và thính giác nằm đối xứng song song trong não bộ, vì thế cần tiến hành kích thích từ cả hai bên. Thay vì cho trẻ nghe bài hát, rồi đặt trẻ ngủ, người mẹ nên vừa ôm vừa hát cho trẻ nghe. Như vậy trẻ sẽ nhớ nhanh hơn, tăng cường cảm giác tiếp xúc bằng da và hoạt động thính giác.

Tóm lại, việc quan trọng nhất trong giai đoạn này là kích hoạt sự hoạt động và phát triển của thị giác và thính giác, bằng cách cho trẻ xem sách, hát cho trẻ nghe, đọc thơ cho trẻ thưởng thức, kể cho trẻ những câu chuyện cổ tích,... Phương pháp quan trọng là phải thường xuyên lặp đi lặp lại những việc như thế.

2. Thời kỳ thứ hai: Phát triển năng lực biểu hiện (Năng lực sáng tạo)

Dù chẳng được ai dạy nhưng đến khoảng 6 tháng tuổi, trẻ đã bắt đầu biết bò. Đây là giai đoạn trẻ bắt đầu phát triển năng lực biểu hiện, hành động mang tính tự phát, cũng chính thời kỳ này năng lực sáng tạo và sự độc lập của trẻ cũng được phát triển vô cùng mạnh mẽ.

Nếu trẻ không có môi trường học tập tốt thì năng lực tại thời điểm này của trẻ sẽ không được phát huy và dần dần thui chột. Ví dụ như lúc trẻ bắt đầu biết lẫy rồi bò, cha mẹ sợ trẻ bò tới nhiều nơi nguy hiểm nên thường không cho trẻ bò nữa và cho trẻ vào trong cũi. Việc làm này sẽ gây ra nhiều chuyện đáng ngại, trẻ không chỉ mất đi năng lực vận động, mà lâu dần tích tụ thành tính cách nhút nhát, ngại vận động, ít ham muốn, năng lực yếu ớt.

Vào thời kỳ bắt đầu phát triển năng lực tự phát, cha mẹ nên để cho trẻ tự do thoải mái hoạt động, ví dụ như cho trẻ xé giấy, cho viết vẽ nguệch ngoạc,... Cha mẹ thường nghĩ rằng việc đó dạy cho trẻ tính phá phách, ích kỷ, nhưng thực ra, nó giúp trẻ nâng cao năng lực phán đoán hơn.

Khi trẻ hơn 6 tháng tuổi, hãy để trẻ tự do lật giở sách tranh. Vì trẻ vẫn chưa biết cách lật giở các trang, nên cha mẹ hãy chấp nhận chuyện trẻ có thể làm rách sách. Ngoài sách tranh, cha mẹ có thể cho trẻ xem cả những cuốn từ điển bằng tranh với những hình ảnh gần gũi với đồ chơi của trẻ.

Dù cho trẻ vẽ gì đi chăng nữa, cha mẹ cũng không nên nói những câu như: “Không được vẽ như thế!” hay là “Vẽ chẳng ra cái gì cả thế!” Cha mẹ hãy hỏi xem trẻ muốn vẽ gì và hãy khen những gì trẻ đã vẽ được thật nhiều.

3. Thời kỳ thứ ba: Phát triển năng lực tư duy (Kỹ năng)

Những năng lực cảm nhận như thị giác, thính giác, cảm giác da thịt, vị giác, ký ức, ý chí, sáng tạo,... do các tế bào não ở những vị trí khác nhau điều khiển. Cha mẹ cần phải nhớ một điều quan trọng là không được phép phát triển thiên lệch phần nào của não.

Cấu tạo của não người gồm hai phần lớn đó là bán cầu não trước và bán cầu não sau, bán cầu não sau thông qua các cơ quan cảm giác như mắt, mũi, tai để tiếp nhận những kích thích từ bên ngoài vào, còn bán cầu não trước biểu hiện những hành vi đó ra bên ngoài thông qua hoạt động của các cơ thịt và gân cốt.

Phần bán cầu não sau chi phối chức năng và xử lý thông tin của tri giác như là thị giác. Bán cầu não sau sẽ phát triển mạnh vào giai đoạn 3 tuổi với các chức năng như phán đoán, lý giải. Nếu giáo dục thiên về tri thức thì chỉ bán cầu não sau được chú trọng mà thôi.

Bán cầu não trước đảm nhận chức năng là tư duy, sáng tạo, ý đồ và thực hành. Vùng não này còn đảm nhận một vai trò chỉ có ở con người, đó chính là cảm xúc đủ cung bậc như hạnh phúc, vui mừng, buồn đau, ủ dột,...Các nghiên cứu về quá trình phát triển của não trẻ cho biết giai đoạn từ 0 - 3 tuổi là giai đoạn phát triển phần bán cầu não sau. Do đó, trong thời kỳ này, cha mẹ nên dạy trẻ cách làm người, nhiều tri thức và cách ghi nhớ.

Qua 3 tuổi, bán cầu não trước bắt đầu phát triển. Nếu thời kỳ này chỉ dạy trẻ ghi nhớ cũng không thể làm nâng cao tri thức và trí thông minh của trẻ được. Việc bồi dưỡng cho trẻ phương pháp tư duy mới là điều quan trọng. Cha mẹ nên cho chúng chơi những trò phải sử dụng đầu óc để tư duy như ghép tranh puzzle, ghép hình block,... Từ dễ đến khó. Để trẻ tham gia vào những trò nâng cao kỹ thuật và sự tỉ mỉ, khéo léo của tay như gấp giấy, cắt giấy,...

Thời kỳ này, cha mẹ cho trẻ tập piano và violin sẽ có tác dụng cực kỳ tốt. Ngoài ra có thể cho trẻ chơi những bài test IQ dành cho trẻ 2 - 3 tuổi. Hiện nay có rất nhiều tài liệu test IQ dành cho trẻ em, cha mẹ cần lựa chọn và sử dụng nó sao cho thật hiệu quả. Nhưng tuyệt đối không được chạy theo thành tích test IQ. Hãy luyện tập cho trẻ đều đặn để hình thành các đường rãnh cơ bản trên não, song song với các bài học khác để trẻ có thể phát triể toàn diện.


 

popup

Số lượng:

Tổng tiền: