RÈN LUYỆN TƯ DUY PHẢN BIỆN CỦA TRẺ

RÈN LUYỆN TƯ DUY PHẢN BIỆN CỦA TRẺ

24/03/2021 Trần Hương Giang 0 Bình luận

        Tư duy phản biện (Critical Thinking) là một trong bốn kỹ năng thiết yếu (Communication – Creativity – Collaboration – Critical Thinking) của thế kỷ 21. Hiểu đơn giản thì đó là quá trình gồm phân tích, đánh giá thông tin, đặt ra các câu hỏi nhằm kiểm tra tính xác thực, từ đó đưa ra các giải pháp cho vấn đề gặp phải. Khác với tư duy một chiều, tư duy phản biện đòi hỏi trẻ phải tập cách nhìn nhận vấn đề từ hai phía, sẵn sàng tiếp nhận những quan điểm trái chiều, phân tích và quyết định dựa trên dẫn chứng hợp lý.

Tư duy là một công việc yêu cầu nhiều kỹ năng. Không phải ai sinh ra cũng có kỹ năng tư duy ngang nhau và toàn diện như nhau. Do đó, việc luyện tập tư duy là điều cần thiết. Có nhiều cách rèn luyện tư duy phản biện, dưới đây là một số cách mà cha mẹ có thể hướng dẫn cho con.

Phương pháp rèn luyện tư duy phản biện hiệu quả 

1. Đánh giá mọi việc khách quan

Muốn có tư duy phản biện tốt, các em phải có cái nhìn khách quan bất cứ một vấn đề nào đó. Nghĩa là, các em không được suy nghĩ hay giải quyết các vấn đề theo cảm tính hay đặt cái tôi quá nhiều để nhìn nhận một vấn đề. Theo đó, các em hãy bỏ cái nhìn chủ quan, thay vào đó là suy nghĩ khách quan trong mọi việc. Khi đánh giá mọi việc khách quan, các em sẽ có những lập luận sắc bén, đánh giá vấn đề một cách logic và chính xác hơn.

Cha mẹ nên làm gương cho con bằng cách không thiên vị con hơn những bạn khác, không tâng bốc con thái quá, không dùng tình cảm để giải quyết các công việc xung quanh. Cha mẹ là người dành nhiều thời gian và có ảnh hưởng tới sự phát triển của con nhất. Do đó, với hình mẫu tốt từ cha mẹ, trẻ có thể tự mình định hướng tốt hơn.

2. Đánh giá từ những câu hỏi đơn giản

Khi phản biện có thể có rất nhiều những câu hỏi được đặt ra, có cả những câu hỏi đơn giản và phức tạp. Những câu hỏi đơn giản có thể trả lời được ngay, nhưng những câu hỏi phức tạp sẽ mất nhiều thời gian hơn. Chính vì vậy, các em hãy liên tục quay lại các câu hỏi cơ bản đã hỏi khi các em đặt ra để giải quyết vấn đề. Các em có thể tham khảo một vài câu hỏi cơ bản có thể hỏi khi tiếp cận bất kỳ vấn đề nào:

  • Các em đã biết những gì?
  • Làm sao các em biết điều đó?
  • Những gì các em đang cố gắng để chứng minh, từ chối, chứng minh, phê bình...

Thực tế, một số giải pháp hoàn hảo nhất cho các vấn đề không phải vì sự phức tạp của chúng, mà vì sự đơn giản của chúng. Hãy bắt đầu từ những thứ cơ bản, bằng những câu hỏi đơn giản nhất.

3. Đưa ra những câu hỏi giả định

Một người có thói quen luôn đặt câu hỏi và nghi vấn những luồng thông tin mà bản thân họ tiếp xúc được sẽ dần phát triển được kỹ năng tư duy phản biện, đặc biệt là khi người đó thường xuyên đặt các câu hỏi giả định. Khi đặt câu hỏi giả định về các vấn đề đang tiếp cận và đánh giá nghiêm túc niềm tin của bản thân về câu hỏi đó, vấn đề sẽ được đào sâu và chi tiết hơn.

  • Các em có thể giả định vấn đề này đúng cũng có thể giả định vấn đề này sai, tùy vào cách nhìn nhận vấn đề và hướng giải quyết.
  • Các em chỉ cần chịu khó tập thói quen đặt câu hỏi giả định, qua một thời gian các em sẽ sẽ trở nên nhạy bén hơn trong việc phân biệt đâu là nguồn thông tin đáng tin cậy, và đâu là nguồn thông tin cần phải xem xét và nghiên cứu kỹ lưỡng hơn.
  • Phụ huynh nên giúp con bằng cách đặt ra các câu hỏi giả định trước, các câu hỏi tình huống để từ đó khuyến khích con tư duy. Dần dà, con sẽ quen với việc này và có thể tự mình đặt ra các câu hỏi.

4. Đảo ngược vấn đề

Một cách tuyệt vời để các em có được những điều chưa được khắc phục trong một vấn đề khó khăn là thử đảo ngược mọi thứ. Chẳng hạn, rõ ràng rằng có A thì có B, nhưng nếu có B thì mới có A thì sao? Những câu hỏi đảo ngược theo mô típ “Gà có trước hay trứng có trước” . Mặc dù vấn đề đảo ngược không đúng thì việc xem xét có thể đưa các em đến con đường tìm kiếm giải pháp nhanh và chính xác hơn. Vì các em đang xét đến rất nhiều trường hợp để loại trừ và tìm ra đáp án đúng nhất.

Cũng tương tự như việc đặt câu hỏi giả định, cha mẹ nên là những người đặt ra câu hỏi đảo ngược vấn đề trước. Từ đó mà dần dần tạo dựng nên thói quen cho con, chứ không thể chỉ nhắc nhở trẻ mà không có ví dụ hướng dẫn, sẽ khiến trẻ cảm thấy khó hiểu và dễ sinh chán nản.

5. Đừng chấp nhận những kết quả của người khác trước khi bạn tự kiểm tra

Trong quá trình phản biện, các em có thể gặp rất nhiều những ý kiến, kết luận trái chiều hoặc đồng quan điểm nhưng các em không nên:

  • Đồng ý luôn với ý kiến của người khác khi mình chưa suy nghĩ và phân tích kỹ càng.
  • Các em nên tự kiểm tra, tư duy và đưa ra ý kiến của mình trước khi chấp nhận những kết quả của người khác.
  • Các em có thể đưa ra ý kiến của mình để phản biện lại ý kiến của người khác, thậm chí số đông.
  • Vì nếu chấp nhận ý kiến của người khác ngay từ đầu chứng tỏ rằng các em không có tư duy phản biện, mãi thụ động.

6. Kết luận vấn đề qua các bằng chứng thực tế

Khi các em giải quyết vấn đề và đưa ra một kết luận nào đó thì các em nên đưa ra các bằng chứng thực tế để bảo vệ ý kiến của mình. Điều quan trọng là các em phải đánh giá các thông tin một cách nghiêm túc, nếu không có thể dễ dàng đưa ra kết luận sai. Thậm chí, khi người khác đưa ra kết luận, các em cũng nên áp dụng phương pháp rèn luyện tư duy phản biện này bằng cách hỏi các hỏi liên quan đến bằng chứng thực tế:

  • Ai thu thập bằng chứng này?
  • Làm thế nào mà thu thập được nó?
  • Tại sao?

7. Hiểu được rằng đa số mọi người đều thiếu sót kỹ năng tư duy phản biện

Thực tế, các em nên hiểu rằng đa số mọi người đều thiếu sót kỹ năng tư duy phản biện. Bởi vì, tư duy phản biện không phải sinh ra đã tự nhiên có. Tư duy phản biện cần được rèn luyện bài bản và lâu dài. Chính vì thế, các em không nên chủ quan vì nghĩ tư duy phản biện rất đơn giản, ai cũng có thể rèn luyện được.

Để có được tư duy phản biện tốt, các em nên trau dồi cho bản thân thật nhiều kiến thức ở nhiều lĩnh vực, tập cho mình sự chủ động, tự tin và rèn tư duy logic nhanh nhạy, kết hợp với những phương pháp rèn luyện tư duy phản biện phù hợp nhất.

 

popup

Số lượng:

Tổng tiền: