Thường ngày, chúng ta thường xuyên nghe thấy những câu than phiền dạng như “Con tôi rất thông minh, mỗi tội làm việc không đến nơi đến chốn, lúc nào cũng đầu voi đuôi chuột, bỏ dở giữa chừng”. Thực tế, tính kiên nhẫn chỉ mang tính tương đối. Trẻ càng nhỏ tuổi, sự kiên nhẫn và tính ổn định khi làm việc càng thấp. Nguyên nhân có thể xuất phát từ phía cha mẹ (nếu cha mẹ thường xuyên phàn nàn, trẻ sẽ cảm thấy bối rối, không biết nên làm thế nào), cũng có thể xuất phát từ bản thân trẻ (một số trẻ thể chất yếu ớt, khó có thể tập trung làm việc).
Thậm chí, có người còn không hiểu được mong muốn thực sự của trẻ, hoàn toàn chiều theo ý muốn của con, điều này cũng khiến trẻ cảm thấy khó có thể chuyên tâm làm một việc gì đó .
Lòng kiên nhẫn không phải là bẩm sinh mà cần phải bồi dưỡng con của bạn có những biểu hiện dưới đây hay không?
• Thức ăn trong bát vẫn chưa ăn hết đã vội đòi ăn những món ăn khác .
• Khi đến công viên, vừa nhìn thấy trò chơi yêu thích đã lập tức chạy đến đòi chơi trước, bất chấp các bạn khác đang xếp hàng rất trật tự .
• Tham gia sinh hoạt trong câu lạc bộ, khi nhận ra mình không thể làm được, trẻ lập tức từ bỏ, không tiếp tục cố gắng phấn đấu .
• Khi yêu cầu khồng được đáp ứng, trẻ lập tức cáu gắt, thậm chí mất kiểm soát.
• Không tuân theo các quy định như xếp hàng...
• Làm việc thiếu kế hoạch cụ thể, muốn làm thì làm, không muốn làm thì sẵn sàng từ bỏ.
• Không hiểu kiên nhẫn là gì, không kiên nhẫn làm bất kì chuyện gì.
Tất cả những hành vi trên đều là biểu hiện của sự thiếu kiên nhẫn, do đó người lớn thường nói, đứa trẻ nào cũng hấp tấp, vội vàng. Những trẻ thiếu kiên nhẫn thường dễ bị ảnh hưởng tâm lí, chỉ cần một lần không thành công sẽ không chịu đựng được cảm giác thất bại, không đủ bình tĩnh để suy nghĩ đánh giá vấn đề, không thể vượt qua khó khăn, ảnh hưởng đến học tập và cả cuộc sống.
Trẻ thiếu kiên nhẫn là đặc trưng của lứa tuổi. Trẻ đang ở trong giai đoạn phát triển và tự hoàn thiện, các chức năng của cơ thể vẫn chưa kiện toàn, sức tập trung và ý chí chưa vững chắc, do đó thường không kiên nhẫn. Tuổi càng nhỏ, hiện tượng trên càng nổi bật. Việc trẻ làm việc có đầu có cuối là một vấn đề liên quan đến ý chí.
Ý chí có kiên định hay không ảnh hưởng rất lớn đến sự thành bại của quá trình học tập và lao động của trẻ sau này. Các chuyên gia nhấn mạnh, cha mẹ nên nắm vững khả năng và tính cách của con mình. Nếu con mình thiếu kiên nhẫn, cha mẹ nên giáo dục ngay từ khi còn nhỏ; trẻ càng lớn, hiệu quả giáo dục càng giảm.
1. Hướng dẫn trẻ kiên nhẫn
Nhiều trẻ không có tính kiên nhẫn, nguyên nhân chủ yếu là do yêu cầu của cha mẹ không chặt chẽ. Người lớn cần kịp thời hướng dẫn trẻ sửa chữa thói quen làm việc thiếu kiên nhẫn. Khi bắt đầu làm quen với một hoạt động mới, cần yêu cầu trẻ làm việc phải hoàn chỉnh. Ví dụ, người lớn yêu cầu trẻ sau khi vẽ xong thì đi tắm. Khi trẻ đi tắm, chúng ta cần yêu cầu trẻ xác định xem mình đã hoàn thành công việc được giao hay chưa...
2. Nêu gương tốt
Cha mẹ là người thầy đầu tiên của trẻ. Mỗi ngày, trẻ đều quan sát mọi hành động, cử chỉ, lời nói của cha mẹ và học theo. Tục ngữ nói: “Cha nào con nấy”. Nếu muốn trẻ hình thành được những thói quen tốt ngay từ khi còn nhỏ, cha mẹ cần là khuôn mẫu cho trẻ noi theo. Làm bất cứ việc gì, người lớn đều cần phải kiên nhẫn, nghiêm túc và làm hoàn chỉnh, làm tấm gương tốt cho trẻ noi theo.
3. Tạo những trở ngại nhất định đẻ rèn luyện tính kiên nhản
Khi yêu cầu trẻ hoàn thành một việc, cần tạo nên một số trở ngại, đồng thời tạo điều kiện cho trẻ tự khắc phục khó khăn. Như vậy, chúng ta mới có thể kích thích được tinh thần hiếu thắng, giúp trẻ có thêm động lực để hoàn thành nhiệm vụ. Đương nhiên, để vượt qua khó khăn, trẻ cần phải cố gắng, do đó kiên nhẫn là kết quả của quá trình rèn luyện ý chí, hoàn cảnh càng khó khăn thì càng dễ rèn luyện tính kiên nhẫn.
Người lớn cần động viên trẻ không nên bỏ dở giữa chừng, cần giải thích cho trẻ hiểu muốn làm tốt bất cứ việc gì đều cần phải cố gắng, Khi trẻ nỗ lực quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, cha mẹ cần khen ngợi kịp thời để trẻ nhận ra rằng, việc mình đang nỗ lực là điều đúng đắn và đáng tự hào . Lúc còn nhỏ, khi cảm thấy đói, trẻ thường lập tức đòi ăn, khi khát lập tức đòi uống, muốn chơi lập tức sẽ đòi đồ chơi. Lúc đó, người lớn không nên ngay lập tức đáp ứng nguyện vọng của trẻ mà nên kéo dài một khoảng thời gian nhất định, như vậy có thế rèn luyện tính kiên nhẫn cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ.
4. Mẹo vặt rèn luyện tính kiên nhản
a. Trò chơi Muốn hình thành tính kiên nhẫn, trước tiên chúng ta cần bồi dưỡng khả năng tập trung chú ý, đỏ chính là nền tảng cơ sở của tính kiên nhẫn. Nếu trẻ có khả năng tập trung chú ý, tính kiên nhẫn sẽ dễ dàng được hình thành. Người lớn có thể cho trẻ chơi những trò chơi đòi hỏi tập trung chú ý như tìm hình khác biệt, tìm lỗi sai, ghép tranh... Trẻ tập trung chú ý chơi, người lớn cũng có thể tập trung làm việc khác .
b. Phần thưởng Mỗi đứa trẻ đều cần có mục tiêu riêng thì làm việc mới có nghị lực. Khi trẻ muốn có một thứ gì đó, người lớn có thể đặt ra mục tiêu, nếu trẻ đạt được sẽ có thưởng. Trẻ càng lớn, yêu cầu phải càng cao, điều quan trọng nhất là những mục tiêu đó cần cụ thể, rõ ràng và hợp lí. Người lớn có thể sử dụng thẻ thưởng hoặc giấy thưởng để trẻ có thể kiểm soát được sự tiến bộ của bản thân .
c. Bồi dưỡng đam mê trẻ càng có nhiều dam mê thì càng dễ hình thành tính kiên nhẫn. Thực ra, một yếu tố quan trọng của tính kiên nhẫn chính là năng lực trì hoãn sự hưởng thụ. Trong quá trình này, nhờ sự rèn luyện của thời gian, trẻ vẫn giữ được tâm trạng ổn định, như vậy tính kiên nhẫn tự nhiên sẽ được hình thành.
Trẻ rèn luyện được tính kiên nhẫn và biết chờ đợi thì mới có kĩ năng tự kiềm chế bản thân, sau này mới có thể làm việc một cách vững vàng .
Hiếm có đứa trẻ nào có thể chú ý làm một việc trong thời gian dài, thêm vào đó, người lớn thường không chú ý bồi dưỡng tính kiên nhẫn nên trẻ thường thiếu tính nhẫn nại, không thích chờ đợi. Bồi dưỡng tính kiên nhẫn và nghị lực nên bắt đầu ngay từ khi trẻ còn nhỏ. Quá trình này chắc chắn sẽ gặp ít nhiều khó khăn, nhưng người lớn phải cố gắng nhẫn nại, giúp trẻ có động lực để vượt qua khó khăn và dần dần trưởng thành.